Chi tiết bài viết - Xã Trung Sơn - Gio Linh

Bài tuyên truyền về chuyển đổi số trên địa bàn xã Trung Sơn

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Hiện nay, cả thế giới đã bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nòng cốt là sự đột phá của công nghệ số. Quá trình đưa công nghệ số vào mọi mặt của đời sống gọi là Chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân và toàn xã hội dựa trên công nghệ số.


Công an và lực lượng Đoàn viên xã hướng dẫn người dân cài đặt Căn cước công dân mức độ 2


Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có: Ví dụ: Đặt hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến có đặt hàng không giới hạn về vị trí địa lý; Giảm thiểu được chi phí và thời gian đi lại.

MỤC TIÊU CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA

  1. Chính quyền số.

Là chính quyền có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn.

Ví dụ: Cơ quan nhà nước sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, thuế để người dân có thể làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất trực tuyến…

  1. Xã hội số

Là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân.

Xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hoá số. Theo nghĩa này, xã hội số, cùng với Chính phủ số và kinh tế số tạo thành ba trụ cột của một quốc gia số.

  1. Kinh tế số:

Là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0.  Kinh tế số gồm ngành công nghiệp công nghệ số, ngành công nghiệp viễn thông ngành bán hàng hoá dựa trên các nền tảng công nghệ số mà ta vẫn gọi là thương mại điện tử, ngành bán dịch vụ dựa trên các nền tảng công nghệ số mà ta vẫn gọi là kinh doanh số như dịch vụ đặt phương tiện giao thông, dịch vụ đặt nhà hàng, khách sạn.

* Lợi ích của chuyển đổi số.

– Giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

– Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn.

Ví dụ: Một đứa trẻ khi sinh ra được cấp một mã định danh duy nhất, đến kỳ thì gia đình nhận được thông báo đi tiêm phòng từ chính quyền, đến tuổi đi học thì chính quyền dựa trên số liệu dân cư để quyết định phân bổ cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tránh nơi bị thừa, nơi lại thiếu, đến tuổi trưởng thành thì tự động nhận được căn cước công dân. Khi dịch bệnh bùng phát thì kịp thời nhận được cảnh báo, chăm sóc y tế.

- Kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới.

Mỗi người dân với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang là có thể trở thành một doanh nghiệp, là có thể tiếp cận cả thế giới.

– Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Xã hội số, xét theo nghĩa hẹp, gồm công dân số và văn hóa số.

Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống. Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn.

Tầm quan trọng của chuyển đổi số.     

Đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên

Đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRÊN ĐỊA BÀN XÃ

  1. Nhận thức số.

- Ban chỉ đạo chuyển đổi số được thành lập kịp thời do Chủ tịch UBND xã trực tiếp chủ trì, chỉ đạo; các văn bản điều hành về chuyển đổi số cấp xã do Chủ tịch xã trực tiếp ký. Thành lập Tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo để tham mưu các văn bản về chuyển đổi số, các Tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn để giúp UBND xã trong việc thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn.

- Ban Chỉ đạo chuyển đổi số giúp UBND xã, Chủ tịch UBND xã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản để triển khai các nhiệm vụ trong lĩnh vực chuyển đổi số. Các văn bản bám sát mục đích, yêu cầu và nội dung tại các văn bản được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao đối với công tác chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương. Các thành viên Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo chuyển đổi số đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, đồng thời chỉ đạo sát sao trong đổi mới công tác tuyên truyền, thực hiện các giải pháp chuyển đổi số gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị. Các đoàn thể đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên tích cực tham gia, hưởng ứng chương trình chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, qua đó tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của đoàn viên, hội viên tham gia chuyển đổi số.

- UBND xã đã chỉ đạo xây dựng chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên trang Thông tin điện tử xã. Thực hiện đăng tải các văn bản về chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử xã để cán bộ, công chức và nhân dân biết. Thường xuyên phát trên hệ thống loa phát thanh của xã các tin, bài viết, phóng sự tuyên tuyền, phổ biến Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước; nâng cao nhận thức của toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn xã.

  1. Thể chế số

- Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên và tình hình thực tế tại địa phương, UBND xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số.Ban hành Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số; Quyết định thành lập tổ giúp việc, Quyết định thành lập Tổ công nghệ số Cộng đồng tại các thôn.

  1. Hạ tầng số

- Hạ tầng mạng nội bộ từ UBND xã được chuẩn hóa, đảm bảo an toàn thông tin tối thiểu, đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Duy trì triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thực hiện gửi nhận văn bản điện tử tích hợp Chữ ký số liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến cấp tỉnh và cấp xã, đảm bảo an toàn thông tin trong gửi, nhận văn bản điện tử.

- Hệ thống hội nghị trực tuyến. Được đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo kết nối thông suốt từ tỉnh, huyện về xã, đáp ứng nhu cầu họp trực tuyến giữa cơ quan nhà nước cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã (Máy tính, màn hình, camera).

- Trang thông tin điện tử được xây dựng đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của Nhà nước, Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, tích hợp các kênh thông tin hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dễ dàng giao tiếp với cơ quan nhà nước thông qua môi trường điện tử. Đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông đáp ứng theo Thông tư 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

  1. Chính quyền số.

- 100% lãnh đạo UBND xã sử dụng thành thạo chữ ký số điện tử. Hộp thư điện tử công vụ được sử dụng trong quá trình làm việc và được giao cho công chức Văn phòng – Thống kê làm đầu mối quản lý. Cán bộ, công chức xã được cấp và thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ hỗ trợ trao đổi công việc

- Đảm bảo 100% văn bản điện tử gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện đến cấp tỉnh, cấp xã được ký số thay thế văn bản giấy (trừ văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước và văn bản khó số hóa.

- UBND xã đang tiến hành tiếp nhận, xử lý hồ sơ thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; việc triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan.

  1. Kinh tế số, Xã hội số

- UBND xã tiếp tục vận động các công ty, các cửa hàng tạp hóa áp dụng thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không tiền mặt trên địa bàn xã. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sản xuất và người dân về chuyển đổi số, phát triển kinh tế, mua bán, phân phối hàng hóa dựa trên môi trường mạng.

- Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như: y tế, chính sách xã hội, phòng chống dịch…thông qua các nền tảng số. Tối thiểu 50% người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã được phổ biến về các dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số trên môi trường mạng; quảng bá, bán sản phẩm trên mạng; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt khoảng 40%.

  1. Nhân lực số.

- Chú trọng đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho các cán bộ, công chức. Cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức về công tác chuyển đổi số, các kiến thức chuyên sâu về quản trị mạng, quản trị hệ thống, công tác đảm bảo an toàn thông tin.

- Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại 04/04 thôn trên địa bàn, mỗi Tổ gồm 06 người, đứng đầu là Trưởng thôn để giúp UBND xã trong việc thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn.

An toàn thông tin mạng.

-Công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin được quan tâm. Việc cập nhật các kiến thức về đảm bảo an toàn an ninh thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin đã được đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện thường xuyên.

Với quyết tâm thực hiện thành công chuyển đổi số, UBND xã Trung Sơn đề nghị mỗi cán bộ, Đảng viên và toàn thể nhân dân phải chủ động, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ công nghệ thông tin, sẵn sàng tham gia và phục vụ thành công chuyển đổi số trên địa bàn xã.

Trung Sơn, tháng 7 năm 2024

Duyệt nội dung

Trần Văn Cường